Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Liên Hồng - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Liên Hồng


Bối cảnh lịch sử trước ngày hợp nhất xã và thành lập chi bộ Liên Hồng

Trước khí thế sục sôi cách của mạng tháng 8/1945 trong cả nước, tại Hải Dương chiều ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Ban cán sự Việt Minh tỉnh, nhân dân thị xã Hải Dương đã vùng lên giành chính quyền cách mạng thắng lợi.

Hai ngày sau 19/8/1945, dưới sự chỉ huy của đ/c Phạm Văn Tuệ, đoàn người khởi nghĩa của Huyện Gia Lộc với khoảng một ngàn người tiến vào huyện đường Gia Lộc, Tri huyện Phan Khắc Thường khăn áo chỉnh tề ra đón và xin được giao nộp đầy đủ vũ khí, triện bạ, sổ sách cho ta. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng của nhân dân huyện nhà hoàn toàn thắng lợi.

Ba ngày sau tức ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt minh Huyện Gia Lộc đã cử cán bộ về 5 thôn của xã ta thành lập chính quyền cách mạng lâm thời.

- Tại thôn Tâng Thượng ông Nguyễn Văn Thêm làm chủ tịch, ông Nguyễn Văn Bạo - Phó chủ tịch kiêm thư ký.

- Tại thôn Phú Triều ông Lê Văn Huyên làm chủ tịch, ông Nguyễn Văn Chi - Phó chủ tịch.

- Tại thôn Thanh Xá ông Tăng Văn Toàn làm chủ tịch, ông Vũ Vinh Quý - Phó chủ tịch.

- Tại thôn Qua Bộ ông Nguyễn Văn Cầu làm chủ tịch, ông Phạm văn Hùng - Phó chủ tịch.

- Tại thôn Đồng lại ông Phùng Đức Huệ chủ tịch, ông Phạm Văn Sơn - P​hó chủ tịch.

Chính quyền cách mạng được thành lập đã đánh dấu một bước ngoặt đổi đời người dân xã ta từ thân nô lệ, mất nước trở thành người chủ nhân của một đất nước độc lập, tự do.

Cũng như các xã trong huyện, chính quyền cách mạng xã ta mới thành lập chưa được củng cố, còn đang trong thời kỳ "Trứng nước" đã gặp phải khó khăn chồng chất như nạn lụt, nạn đói tháng 3 và còn bị đe doạ bởi 20 vạn quân Tưởng kéo vào nước ta, trong đó Thị xã Hải Dương có tới hàng ngàn tên, đưa vận hội nước ta nói chung, tỉnh huyện ta nói riêng như "Ngàn cân treo sợi tóc"… Nhưng dưới sự lãnh đạo rất sáng suốt chủ Đảng và Hồ CHủ tịch, mặt trận Việt Minh huyện chỉ đạo các xã bắt tay ngay vào việc củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng ở địa phương. Đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân xã ta đã hăng hái tiến quân vào mặt trận chống giặc đói, chống giặc dốt và chống thù trong giặc ngoài rất sôi nổi và rộng khắp. Từ đầu thôn cuối xóm đâu đâu cũng có trường lớp và người đánh vần học chữ. Kết quả trên 3 mặt trận ấy xã ta đã giành thắng lợi lớn, giặc đói từng bước được khắc phục, hàng trăm người biết đọc biết viết, từ đó kiến thức văn hoá và trí tuệ được mở mang, nhận thức cách mạng từng bước được nâng lên, sức mạnh đoàn kết càng cao, càng mạnh và hiệu lực chính quyền cách mạng không ngừng củng cố …

Thực hiện sắc lệnh của Hồ Chủ Tịch, nhân dân xã ta với khí thế hào hứng hướng tới  ngày tổng tuyển cử toàn quốc (ngày 06/1/1946) bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, thành lập chính phủ chính thức của nhà nước dân chủ nhân dân .

Nhận rõ tầm quan trọng ngày hội này, cử tri xã ta nô lức đi bầu cử với tỷ lệ tham gia tuyệt đối. Đây là lần đầu tiên người dân Việt nam nói chung, cử tri xã nhà nói riêng được thực hiện quyền này.

Sau ngày tổng tuyển cử, nhân dân xã ta tiếp tục bầu cử HĐND 2 cấp tỉnh và xã vào ngày 26/4/1946. Đặc biệt trước ngày bầu cử HĐND 2 cấp thì được huyện chủ trương thành lập 5 thôn làm 2 xã, đó là thôn Thanh Xá, Phú Triều, Tâng Thượng hợp nhất lại thành 1 xã lấy tên là xã Tam Thanh, thôn Đồng Lại, Qua Bộ lấy tên là xã Kiên Nghĩa.

Ngày 26/4/1946, hai xã tiến hành bầu cử HĐND xã kết quả như sau:

- Xã Tam Thanh bầu được 11 đại biểu, xã Kiên nghĩa bầu được 16 đại biểu và 2 xã đã bầu ra Uỷ ban nhân dân chính thức thay cho UBCM lâm thời , cụ thể là:

- UBND xã Tam Thanh gồm 7 uỷ viên do ông Nguyễn Văn Đãi làm Chủ tịch, ông Tăng Văn Toàn phó Chủ tịch.

- UBND xã Kiên nghĩa gồm 8 uỷ viên do ông Lê Văn Huệ làm Chủ tịch. Thắng lợi của việc thành lập chính quyền chính thức và xây dựng các tổ chức chính trị xã hội của 2 xã đã đem lại thành quả rất phấn khởi trên các mặt kinh tế, văn hoá xã hội; không còn cảnh tha phương cầu thực, hàng trăm người thoát nạn mù chữ và lên lớp 1, lớp 2. Các tệ nạn ăn uống lãng phí và các hủ tục cũ dần dần được xoá bỏ. Các cuộc mít tinh biểu tình ủng hộ Nam bộ kháng chiến sôi nổi, rầm rộ và sục sôi khí thế thi đua;  luyện tập quân sự ngày càng mạnh trong lực lượng quân sự địa phương.

Sau hiệp định sơ bộ 6/3 và tạm ước 14/9 năm 1946, buộc chính phủ Pháp phải tôn trọng nước ta là một Quốc gia độc lập. Từ đó 20 vạn quân Tưởng và hàng vạn quân Anh quân Ấn phải rút về nước. Như vậy từ chỗ nước ta cùng 1 lúc có 4 kẻ thù nay ta chỉ phải đối phó với 1 kẻ thù đó là thực dân Pháp xâm lược. Thực dân Pháp ngang nhiên xé bỏ hiệp định sơ bộ 6/3 và tạm ước 14/9/1946, rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, UBND và mặt trận Việt minh xã ta bắt tay ngay vào việc chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, xây dựng lực lượng quân sự, phát động toàn dân đào đắp công sự, rào làng chuẩn bị chiến đấu, tổ chức tập trận giả và bàn cách sơ tán cho dân… Phong trào tòng quân giết giặc trong lực lượng thanh niên rất sôi nổi, các mặt công tác và tinh thần tư tưởng của nhân dân được giữ vững và ổn định.

Qua hơn 1 năm từ buổi sơ khai giành chính quyền cách mạng về tay mình, nhân dân xã ta đã vượt qua bao khó khăn khắc nghiệt bởi giặc đói, giặc dốt và đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, từng bước xoá bỏ di sản văn hoá đồi truỵ, cải tạo hủ tục cũ, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đưa nhiệm vụ cách mạng xã ta lên một bước mới.

Từ những phong trào cách mạng nói trên đã nẩy sinh ra những nhân tố mới đòi hỏi phải có tổ chức Đảng để lãnh đạo ở cơ sở. Do đó Huyện uỷ Gia Lộc quyết định thành lập chi bộ Đảng ở 2 xã. Nhưng vì không có đủ đảng viên chính thức nên 2 xã phải đi sinh hoạt ghép với xã Thạch Khôi và Tân Hưng, mãi cho đến tháng 2/1947, Huyện ủy Gia Lộc quyết định thành lập chi bộ xã Tam Thanh với 3 đảng viên chính thức và đảng viên dự bị của xã Kiên nghĩa do đ/c Phạm Đình Quỳ làm Bí thư. Sau đó chi bộ Tam Thanh kết nạp thêm 2 đ/c, như thế đã đủ điều kiện thành lập chi bộ Kiên Nghĩa.

 Tháng 3/1947 chi bộ Kiên Nghĩa được thành lập, đ/c Phùng Ngọc Quỳnh làm Bí thư. Việc ra đời của Hai chi bộ đánh dấu bước trưởng thành của cán bộ và nhân dân 2 xã, tiếp tục thực hiện mọi nhiệm vụ chuẩn bị cho kháng chiến.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), giặc Pháp đã mở rộng phạm vi chiếm đóng ra vùng phụ cận. Đặc biệt ngày 13/2/1947 tức ngày 23/1 âm lịch, chúng mở trận càn quét vào thôn Tâng Thượng xã Tam Thanh đốt phá hàng trăm nóc nhà, phá huỷ 1 ngôi đình và giết hại 45 đồng bào ta. Nhưng chúng đã bị bộ đội ta đóng quân tại đây đánh cho tơi tả, trên 50 tên giặc phải đền tội, trong đó du kích xã Tam thanh bắt chết 1 tên.

Sau trận càn này, đến tháng 5/1947 đồn giặc đóng ở Phú tảo xã Thạch khôi và tháng 10/1947 đồn giặc đóng Bốt ở Phương Điếm khống chế đường 17 liên tiếp càn quét xuống xã ta, gây nhiều tội ác cho nhân dân,  nhất là nhân dân 3 thôn xã Tam Thanh làm cho cuộc sống của nhân dân 2 xã túng đói và cực khổ vô cùng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của 2 chi bộ, nhân dân 2 xã vẫn quyết tâm kháng chiến chống giặc càn quét, đặc biệt du kích Tam Thanh đánh mìn trên đường 17 làm nổ tung 1 xe gíp diệt 3 tên Pháp. Tổ đánh mìn do đ/c Quý chỉ huy đánh ở quán Vàng Thanh xá, kết hợp với du kích Đồng lại, Qua Bộ dùng  tre cắm kè ngăn sông chặn ca nô giặc ở bến Trình và đò Cương quyết tâm bảo vệ quê hương, bảo vệ nhân dân.

Mặc dù trong kháng chiến gian khổ song 2 chi bộ vẫn làm tốt công tác phát triển đảng viên như chi bộ Tam Thanh kết nạp 11 đ/c, chi bộ Kiên nghĩa kết nạp 11 đ/c và 2  chi bộ đã tiến hành ĐH lần thứ nhất bầu Ban chi uỷ mới.

Tháng 3/1948 chấp hành chủ trương của trên 2 xã Tam Thanh và Kiên nghĩa hợp nhất lại thành 1 xã lấy tên là xã Liên Hồng, với ý nghĩa là "Liên kết trong dòng máu đỏ của con Lạc, cháu Hồng" từ đấy 2 chữ Liên Hồng đã đi vào cuộc sống tinh thần và trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu sắc đối với mỗi người dân Liên Hồng.

Sau khi đặt tên xã và sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên của 2 chi bộ xong, vào đầu tháng 4/1948 Huyện uỷ Gia Lộc đã cử đ/c Doãn PBT Huyện uỷ về triệu tập 2 ban chi uỷ Tam Thanh và Kiên nghĩa công bố quyết định thành lập chi bộ Liên Hồng và chỉ định 7 đ/c vào Ban chi uỷ chi bộ Liên Hồng do đ/c Tăng Văn Tống làm Bí thư, đ/c Phùng văn Điều làm Phó BT.

Đây là một bước củng cố tổ chức xây dựng chi bộ Liên Hồng bước vào thời kỳ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược giành thắng lợi lớn hơn.

​Chi bộ Đảng Liên H​ồng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng

 Tiếp tục lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống giặc giữ làng từ​ tháng 4/1948 đến hết năm 1949.

Chi bộ xã Liên Hồng được thành lập trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ. Kẻ thù ra sức đánh phá, vơ vét tài sản của nhân dân. Chúng rắp tâm thực hiện chính sách tam quang "đốt sạch, phá sạch, giết sạch", ngoài việc chỉ đạo các cụ già em nhỏ phải đi tản cư xa nhất là 3 thôn Thanh xá, Phú triều, Tâng thượng, còn lại 2 thôn Đồng lại, Qua Bộ cùng với lực lượng quân sự ở lại bám ruộng đồng sản xuất. Nhưng giặc Pháp không để yên bằng các trận nã pháo từ Hải Dương, Phương điếm, đường số 5, đường 17 về Liên Hồng không kể ngày hay đêm, khiến cho cuộc sống của nhân dân đã khó khăn giản khổ  lại thêm đau thương cùng cực. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối và toàn diện của chi bộ nhất là sau Đại hội Đảng viên từ tháng 8/1948 đã tiến hành tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ trên các lĩnh vực đạt kết quả tốt như sau:

- Về Quân sự: Đã cùng UBKCHC xã Thống nhất thành lập trung đội du kích quyết thắng để cơ động chiến đấu chống giặc càn quét, bám ruộng đồng sản xuất, từ đó Liên Hồng có 2 lực lượng du kích kết hợp cùng nhau chống giặc giữ làng.

- Về kinh tế: Quyết tâm cấy hết diện tích khu ven làng, phát triển diện tích mầu từ gần đến xa, chủ yếu là nhân dân Đồng lại, Qua Bộ và thực hiện tốt khẩu hiệu "Giặc đến càn thì sơ tán, giặc đi lại về bám ruộng đồng sản xuất, giặc đốt nhà thì cùng nhau làm lại, giặc bắn giết cướp bóc trâu bò thì cùng nhau kéo cày thay trâu, cấy kịp thời vụ; người có gạo giúp người thiếu gạo, thiếu khoai, cơm thổi chung 1 nồi, ăn chung 1 mâm, thực hiện tình làng nghĩa xóm đoàn kết bên nhau, chia sẻ cùng nhau khi vui buồn khổ cực để cùng chiến thắng".

Ngoài nhiệm vụ bám ruộng đồng sản xuất, các đội du kích các thôn cùng du kích quyết thắng đêm ngày canh gác tuần tra bảo vệ dân, phối hợp chiến đấu cùng bộ đội trên đường 17, đường số 5, bao vây kinh tế địch, thực hiện vườn không nhà trống… Tất cả nhiệm vụ công tác nói trên đã tỏ rõ ý chí quyết tâm kháng chiến chống Pháp của chi bộ và nhân dân Liên Hồng.

Đặc biệt chi bộ Liên Hồng không những phát huy sức mạnh lãnh đạo của mình trong hoàn cảnh rất khó khăn ác liệt của cuộc kháng chiến, mà còn từ trong khó khăn ấy đã nẩy sinh ra những con người có bản lĩnh chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân ngày càng nhiều. Đến giai đoạn từ 1970 – 1975 Chi bộ có 93 đảng viên, đưa số lượng đảng ngày càng đông, chất lượng càng cao, sức lãnh đạo chi bộ càng vững và sẳn sàng chấp nhận mọi thử thách hy sinh để giành thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp ở Liên Hồng.

Đảng Lãnh đạo nhân dân chiến đấu giằng co với địch trong 2 năm 1950-1951.

Bước sang năm 1950 trên địa bàn tỉnh ta giặc Pháp đã xúc tiến thực hiện âm mưu bình định đồng bằng với chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dưới cái chiêu bài độc lập giả hiệu để lừa bịp nhân dân. Chúng ra sức xây dựng lực lượng quân địa phương, thiết lập nguỵ quyền, phát triển hệ thống đồn bốt, tháp canh, ép buộc một số địa phương lập tề theo chúng.

Tình hình trên đã đưa xã ta khó khăn về nhiều mặt khiến nhân dân 3 thôn Thanh xá, Phú triều và Tâng thượng phải hồi cư, ăn độn rau cháo qua ngày. Các xã xung quanh ta như Thạch khôi, Tứ minh phải lập tề, ngày 15/7/1950 (AL) giặc Pháp cùng bọn Thanh niên công giáo về chiếm đóng ấp Ty. Tháng 11/1950 tên Lê Văn Triệu mang quân về đóng bốt Tâng Thượng, đến tháng 8/1951 tên Triệu tiếp tục đóng bốt Đồng Lại. Như vậy trong ngoài 4 mặt đều có giặc bao vây, khiến cho xã ta tạm thời buộc phải để nhân dân lập tề nhằm thay đổi phương thức đấu tranh. Vì vậy các tổ chức từ Đảng đến chính quyền đoàn thể nhân dân phải rút vào hoạt động bí mật. Riêng cấp uỷ đảng viên và một số quần chúng trung kiên chia làm 2 lực lượng hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp. khẩu  hiệu hành động của cán bộ đảng viên ta lúc này hơn lúc nào hết phải giữ vững ý chí chiến đấu bám đất, bám dân, giữ vững cơ sở trong lòng địch.

Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch ở giai đoạn này diễn ra  rất gay go quyết liệt, kẻ địch ra sức càn quét bao vây, lùng bắt cán bộ đảng viên, điên cuồng bắt dân tập trung đánh đập tra khảo moi tìm tổ chức Đảng, cơ sở kháng chiến. Vì vậy không đêm nào trên đất Liên Hồng không có tiếng súng nổ. Thủ đoạn của chúng cướp bóc tàn phá kết hợp với lừa bịp dụ dỗ khủng bố nhân dân… khiến cho ND xã ta phải sống trong ách kịp kẹp và o ép rất nặng nề. Chỉ tính từ đầu năm 1950 đến tháng 4/1951 cán bộ đảng viên và nhân dân xã ta đã bị giặc bắt và bị tù lên đến 130 người.

Chúng thẳng tay vơ vét tài sản, bóp nghẹt đời sống dân lành, trường học không mở mang, ốm đau không thuốc thang chữa bệnh, khuyến khích cờ bạc, nghiện hút, mại dâm và các tệ tục xã hội cũ phát triển.

Quyết không cam chịu kiếp sống nô lệ, dưới ách kìm kẹp của giặc, nhiều đ/c cán bộ đảng viên tìm mọi cách chắp nối liên lực từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong dưới sự che chở đùm bọc của nhân dân, tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở kháng chiến, tiến hành công tác phá tề trừ gian, diệt ác phá kìm, tổ chức lực lượng du kích bí mật phục kích địch ở bốt Tâng, ngăn chặn hành động ngông cuồng của giặc..

Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch cứ diễn ra như thế cho đến ngày 26/11/1951 quân dân tỉnh ta mở trận đánh cường tập tiêu diệt hoàn toàn 2 vị trí ô Mễ, Xuân nẻo thuộc xã Hưng đạo huyện Tứ kỳ để phối hợp với chiến dịch hoà bình đang giành thắng lợi to lớn, để phối hợp với tỉnh, huyện ta tổ chức một mũi vũ trang về Liên Hồng đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt, tháp canh khu Bắc Gia Lộc.

Bọn giặc bốt Đồng lại, Tâng thượng bỏ chạy tháo thân, giặc bốt Ty phải im hơn lặng tiếng và đến đêm ngày 2 Tết năm 1952 buộc phải hạ vũ khí đầu hàng. Chớp thời cơ thuận lợi, dưới lãnh đạo của chi bộ Liên Hồng, nhân dân toàn xã đã vùng lên phá tan hệ thống tổ chức tề nguỵ ở các thôn, từ đó nhân dân xã ta được hoàn toàn giải phóng bước tiếp vào cuộc chiến đấu vũ trang với quân thù.

Đảng Lãnh đạo ND chiến đấu chống giặc giữ làng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc (1952-1954).

Chiến thắng của ta đã làm hệ thống chiếm đóng của giặc ở đồng bằng tan ra từng mảng, tạo cho nhân dân xã ta cùng với các xã khu Bắc Gia Lộc thành khu du kích chiến đấu liên hoàn, đó là thuận lợi cơ bản của xã ta để tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng kháng chiến địa phương.

Phát huy sức mạnh lãnh đạo của mình, chi bộ Liên Hồng đã tiến hành củng cố chất lượng đảng nhằm tăng cường sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Chi bộ đã đưa 27 đ/v không đủ tư cách ra khỏi Đảng và tháng 9/1952 tiến hành ĐH chi bộ lần thứ IV đề ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể của địa phương trong sự nghiệp của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên Hồng và đã giành thắng lợi ở thời kỳ này như sau:

- Về quân sự: Số lượng du kích càng đông, càng mạnh lên tới 131 đ/c, vận động TN xung phong lên đường ra trận 135 đ/c, ngày 15/3/1952 hai tổ du kích Đồng lại, Qua Bộ chỉ có 2 súng trường còn lại là mã tấu đã chặn đánh 1 Đại đội ngụy do tên Triệu chỉ huy càn về Thanh xá phải bỏ chạy. Trận này tổ du kích Qua bộ có ông Nguyễn Văn Kính đi cùng, vũ khí chỉ bằng 1 đôi guốc gỗ nhưng với  sự thông minh và tinh thần bất khuất đã khích lệ  khí thế chiến đấu của du kích xã ta làm nên thắng lợi.

Phát huy trận đầu chống càn thắng lợi, du  Liên Hồng phối hợp chiến đấu với Đại đội Tây sơn vào tận sào huyệt giặc ở Phú tảo công đồng bắt hụt tên Triệu và đã thu được 12 súng trường. Ngoài ra DK ta cùng bộ đội phục kích trên đường 5, đường 17 bao vây bốt quán phấn… Đặc biệt xã đã cử 4 đ/c nữ DK dùng đòn gánh đánh giặc giữa ban ngày tại chợ Phú tảo, cùng với đội nữ du kích xã Kiên Trung gây một tiếng súng vang lớn trong huyện. Trận đánh này địch bị thương 3 tên, tổ DK xã ta thu được 1 súng trường, đ/c Ghẻ nữ DK Đồng Lại bị thương nhẹ.

Cùng với DK đánh giặc giữ làng, phong trào thi đua của thiếu niên thực hiện khẩu hiệu "Chống chạy dài ở nhà gài chông đánh giặc" lên rất cao. Các tổ thiếu niên từ xóm đến thôn cứ mỗi lần giặc càn về là tự bảo nhau đi gài chông và xuống hầm bí mật quyết không chạy dài. Nhờ có phong trào chiến đấu của DK và thiếu niên đã động viên mọi người dân tin tưởng và quyết tâm kháng chiến bằng sức mạnh vật chất, tinh thần của mỗi gia đình đều hăng hái rào làng, đào đắp công sự chiến đấu, thu gom sắt vụn rèn rũa làm bàn chông đánh giặc đồng thời thực hiện vườn không nhà trống, đào hầm tránh phi pháo, cất giấu tài sản, giặc đến thì sơ tán, giặc đi lại về sản xuất tăng gia. Do đó khí thế KC ngày càng cao tinh thần đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến càng mạnh. Mối quan hệ tình đ/c, tình con người càng đằm thắm, sâu sắc, thương yêu đùm bọc nhau cùng chiến đấu, cùng chiến thắng.

Cuộc KC chống Pháp càng gần đến ngày thắng lợi nhân dân ta càng gặp khó khăn gian khổ vì giặc Pháp càng điên cuồng tàn sát nhân dân ta, nhất là Liên Hồng lại là một trong những địa phương giáp danh giữa tiền tuyến với hậu phương và là cầu nối liền giữa ta và địch. Biết tầm quan trọng đó giặc Pháp tìm mọi cách đánh phá triệt hạ Liên Hồng. Đặc biệt ngày 23/4/1954 (21-3AL) giặc Pháp đã huy động Trung đoàn Bộ binh có xe tăng đại bác yểm trợ càn quét vào Liên Hồng. Chúng ra tay bắn giết đồng bào, tàn phá đình chùa, nhà cửa, trà soát chông mìn, moi móc hầm bí mật … Nhưng chúng đã bị DK chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu biểu đ/c Chu đã đội nắp hầm nhảy lên chiến đấu bắn chết tại chỗ 2  tên giặc và đã anh dũng hy sinh.

Kết quả trận chống càn này DK xã ta bẻ gẫy 2 đợt tấn công của địch, diệt 7 tên, làm bị thương 5 tên. Đây là trận càn cuối cùng của giặc Pháp vào xã ta và đây cũng là trận đánh thắng giòn giã của lực lượng quân sự Liên Hồng, biểu thị ý chí quyết tâm KC của cán bộ đảng viên và ND xã ta trên 1 chặng đường dài 9 năm KC chống thực dân Pháp xâm lượng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.

Tổng kết 9 năm KC chống Pháp xã ta đã diệt 17 tên và làm bị thương 14 tên Pháp, phá huỷ 1 xe Gíp, 1 trung liên, thu 13 súng trường, 2 lựu đạn và 2 hòm đạn. Về phí ta 156 người dân bị giặc sát hại , 24 đ/c du kích đã anh dũng hy sinh cùng với 33 đ/c đi bộ đội hy sinh trên các chiến trường.

Kết thúc 9 năm KC chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Liên Hồng  được chính phủ trao tặng 4 huân chương KC hạng ba, 102 huy chương và 14 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ta .

Đảng Lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng miền Bắc tiến lên XHCN, tích cực tham gia chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc 1955-1975.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, giặc Pháp phải cút khởi nước ta, nước ta tạm thời bị chia làm 2 miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.

Phấn khởi với thắng lợi to lớn của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ Tịch, Đảng bộ và nhân dân xã ta đã hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn CM giành thắng lợi to lớn, cụ thể là:

- Đã tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, hoàn thành cuộc CM ruộng đất, từng bước đấu tranh cải tạo quan hệ sản xuất cũ, thiết lập quan hệ sản xuất mới. Thực hiện nghị quyết ĐH toàn quốc lần thứ ba của Đảng đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH.

Trong quá trình tổ chức và thực hiện Đảng bộ xã ta đã lãnh đạo ND toàn xã vào HTX nông nghiệp, áp dụng khoa học KT, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ đưa giá trị thu nhập năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân dần dần ổn định, cơ sở vật chất ngày một phát triển, từ một địa phương nghèo, phải dựa vào Nhà nước trợ cấp lương thực đến nay đã tiến lên làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước năm thấp nhất 1968 làm nghĩa vụ 226 tấn, năm trung bình 1974 là 554 tấn và năm 1975 cao nhất là 592 tấn.

Thắng lợi trên mặt trận sản xuất NN đã tạo thuận lợi cho công tác văn hoá xã hội phát triển, hệ thống giáo dục được mở mang, trường học khang trang đón nhận hàng trăm học sinh theo học các cấp, trạm xá xã được xây dựng và đã từng bước đẩy lùi các căn bệnh xã hội, đường xá làng này nối tiếp làng kia và nâng cấp ngày một to rộng cao ráo không còn cảnh bùn lầy nước đọng. Kiến thức văn hoá và trình hộ nhận thức về chính trị nâng lên rõ rệt, biểu hiện rõ nét nhất là giai đoạn cách mạnh vừa xây dựng CNXH vừa tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ xã ta đã chú trọng lãnh đạo và giáo dục nhân dân giải quyết tốt mọi quan hệ giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa cống hiến với hưởng thụ, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, giữa người đi chiến đấu và người ở lại hậu phương. Đặc biệt các phong trào thi đua của các tổ chức quần chúng đã là động lực phát huy sức mạnh chính trị tổng hợp của nhân dân xã ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nứơc ngày một cao. Khẩu hiệu hành động được thực hiện ở thời điểm này là tập trung sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt", khẩu hiệu ấy đã trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm kiêu hãnh tự hào của mọi người dân Liên Hồng để rồi đứng vững dưới mưa bom giặc Mỹ để "Cấy lúa thẳng hàng nở hoa 5 tấn" và tiếp tục tiễn đưa lớp lớp con cháu lên đường "Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước" góp phần vào thắng lợi ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.

Tóm lại, trải qua 20 năm trong sự nghiệp vừa xây dựng CNXH vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự, lãnh đạo của Đảng và Hồ chủ Tịch, nhân dân xã ta đã lập nên những thành tích hào hùng bằng sức mạnh truyền thống của quê hương đoàn kết một lòng, vừa chiến đấu vừa xây dựng biến mảnh đất con người Liên Hồng ngày một phát triển.

Tổng kết 20 năm xây dựng CNXH và tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước xã ta đã có 89 đ/c hy sinh, hàng trăm đ/c thương bệnh binh, từ năm 1975 đến 1975 đã làm nghĩa vụ lương thực cho nhà nước 3.596 tấn thóc và 55.976 cân thực phẩm, tiễn đưa 360 thanh niên lên đường vào bộ đội chiến đấu.

Với thành tích trên Đảng bộ và nhân dân xã ta đã được nhà nước trao tặng 1 huân chương kháng chiến hạng nhì, 1 hạng ba và 1 huân chương lao động hạng ba cho HTX Phú Thượng cùng với 332 huân chương kháng chiến chống mỹ cứu nước hạng nhất, nhì, ba và 169 huy chương các loại cho cá nhân, cán bộ, bộ đội và nhân dân.

Đây là một thành tích rất to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Liên Hồng.

Đảng bộ Liên Hồng lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển  kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng từ 1976-1986.

Thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 của dân tộc ta đã mở ra kỷ nguyên mới, có ý nghĩa thời đại sâu sắc là giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc đưa cả nước cùng đi lên CNXH.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ CM đã thay đổi ND Liên Hồng bắt tay ngay vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng đưa Liên Hồng ngày càng thắng lợi về nhiều mặt, cụ thể là:

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, năm 1976 năm mở đầu cho thời kỳ đổi mới với ý chí và quyết tâm cao độ, Liên Hồng đã cấy 935 ha, tổng sản lượng cả năm 3.339 tấn bình quân 45 tạ/ha, mức ăn bình quân 288kg/người, tăng hơn 1975 là 24kg/người, làm tròn nghĩa vụ cho nhà nước 810 tấn, vượt chỉ tiêu 35%.

Phát huy thắng lợi trên mặt trận kinh tế năm 1976, các năm tiếp theo nhân dân Liên Hồng đã thực hiện thâm canh tăng năng suất lúa và màu, với công thức 2 lúa một màu, hai lúa 2 màu và 2 màu một lúa… nhờ vậy đời sống nhân dân tương đối ổn định. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhân dân đã hăng hái thi đua lao động sản xuất đưa năng suất ngày một cao như năm 1985 năm đầu tiên Liên hồng đạt trên 5 tấn thóc/`ha 1 vụ.

Cùng với thắng lợi triên mặt trận SXNN, các mặt công tác khác của xã nhà như công tác an ninh quốc phòng không ngừng được củng cố ngày càng mạnh, chi viện sức người, sức của ra tiền tuyến cùng với quân dân cả nước đánh bại kẻ thù biên giới Tây nam và 60 vạn quân Bành trướng phía Bắc, giữ vững chủ quyền độc lập tự do cho tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chất lượng Đảng không ngừng củng cố, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ngày càng phát huy hiệu lực của mình. Do đó khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác văn hoá xã hội ngày một tiến bộ, trường sở được củng cố, xây dựng đón tiếp học sinh từ nhóm trẻ mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2. Cơ sở vật chất của xã  từ trạm xá đến nhà làm việc của Uỷ ban, nhà văn hoá các thôn đều củng cố xây dựng, đường làng ngõ xóm mở rộng, nhà tranh vách đất từng bước được thay thế bằng nhà xây.

Đảng bộ và nhân dân Liên Hồng thực hiện công cuộc đổi mới giai đoạn 1987 đến 2005.

Tháng 12/1986 ĐH toàn quốc lần thứ 6 của  Đảng đã thành công tốt đẹp, ĐH đã đề ra 3 chương trình hành động là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu chủ động về lương thực… Để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN và 3 chương trình kinh tế nói trên, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt, trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, tổ chức cán bộ và lãnh đạo công tác…

Chào mừng thành công ĐH toàn quốc lần thứ 6 của Đảng, đồng thời quán triệt nghị quyết ĐH tỉnh Đảng bộ Hải Hưng lần thứ 5 và ĐH lần thứ 3 Đảng bộ huyện Tứ Lộc, Đảng bộ Liên Hồng đã tổ chức học tập nghị quyết ĐH toàn quốc của Đảng cho các cấp uỷ, đảng viên và tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng từ khoá 15 của Đảng bộ từ năm 1987 đến 2005 cụ thể như sau:

- Về phát triển kinh tế: Tuyệt đại đa số nhân dân và đảng viên cán bộ đều chung một quan điểm coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực, thực phẩm là trọng tâm số một.

Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch từ năm 1986 đến 1990 bước tiếp vaò năm 1991 – 2005) đã qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, ND Liên hồng đã giành thắng lợi trên mặt trận SXNN, toàn diện vững chắc cả về diện tích, năng suất và sản lượng, đời sống văn hoá của ND từng bước được nâng cao. Đặc biệt 10 năm cuối cùng của thế kỷ 20 và 10 năm đầu thế kỷ 21, năm nào cũng đạt từ trên 5 tấn thóc đến trên 6 tấn thóc một ha và các mặt thu nhập khác như cây vụ đông cùng với chăn nuôi, thả cá đều phát triển. Nếu như năm 1996 tổng diện tích gieo trồng là 1.087 ha, diện tích vụ đông là 259 ha, sản lượng thóc là 4.311 tấn, sản lượng cá là 227 tấn, sản lượng thịt các loại là 350 tấn thì đến năm 2001 các chỉ tiêu này tương ứng là: 1.117 ha- 325 ha- 4.428 tấn- 380 tấn- 450 tấn.

Thắng lợi trên mặt trận sản xuất NN đã đưa nền kinh tế của Liên Hồng càng ngày càng tăng, đời sống ổn định, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh, đường xá mở rộng, nhà kiên cố cao tầng ngày càng nhiều. Không còn cảnh nhà tranh vách đất, nếp sống văn hoá và nhận thức chính trị ngày một nâng lên, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng cao. Khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng củng cố và xây dựng bền vững, hệ thống giáo dục ngày càng tiến bộ, số giáo viên, học sinh giỏi ngày càng tăng, cơ sở vật chất ngày được nâng lên, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên không ngừng được củng cố toàn diện cả về đạo đức lối sống và trách nhiệm quyền hạn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

Cụ thể trong những năm 2005 – 2010 thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã Liên Hồng lần thứ 21, với tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy những lợi thế của xã, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhân dân Liên Hồng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết lần thứ 21 đặt ra kinh tế tiếp tục tăng trưởng, giá trị bình quân đầu người hàng năm đạt 11,56% năm cao nhất đạt 17,3%. Năm 2010 tổng giá trị sản xuất đạt 81,314 tỷ so với mục tiêu Đại hội đặt ra là 81,127 % tăng 2,3%. Thu nhập bình quân đầu người là 8. 430.000 đ, hộ nghèo bình quân hàng năm là 7,7% (riêng năm 2010 giảm còn 3,5% theo tiêu trí mới) vượt chỉ tiêu so với đại hội đề ra là 4,5%. đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, bộ mặt của nông thôn từng bước thay đổi.

Bước sang những năm 2010 – 2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Liên Hồng lần thứ 22, với mục tiêu chủ yếu là:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong năm đạt 12%;

+ Tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 144,135 triệu đồng.

+ Đảng bộ, chính quyền và các ngành đoàn thể chính trị đạt vững mạnh, 100% các Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, phấn đấu 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ;

+ Trạm y tế duy trì giữ vững trạm chuẩn Quốc gia về y tế, phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia;

+ Phấn đấu 90% - 100% gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa, giữ vững làng văng hóa Phú Triều, Qua Bộ, phấn đấu đến năm 2015 có từ 2 đến 3 làng đạt danh hiệu làng văn hóa.

+ Hộ nghèo giảm xuống còn 0,5%;

+ Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Giữ vững ngành Công an, Quân sự đạt Quyết thắng.

336677603_948258686375386_4252972936830056634_n.jpg

Phát huy truyền thống- kết quả đạt được trong các nhiệm kỳ qua bước sang năm 2015-2020 thực hiện Nghị quyết lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 được thực hiện trong bối cảnh thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, xong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên Hồng nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành được 19 tiêu chí đạt ra trong đó 10 chỉ tiêu đạt vượt đời sống nhân dân được nâng lên, xã Liên Hồng được sáp nhập về thành phố Hải Dương theo Nghị quyết 788- NQ/UBTVQH 14 ngày 16/10/2019 của Uỷ ban thường vụ quốc hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội có bước chuyển biến tích cực.

Với truyền thống đoàn kết quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Liên Hồng quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu trí mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 24 đề ra. Với khí thế đó bước vào năm 2020 – 2023 là những năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung vào các công trình trọng điểm của xã như: nhà văn hóa, trường học. Phấn đấu Xây dựng trụ sở UBND mới, sân vận động của xã. Thôn Phú triều xây mới nhà văn hóa khang trang.

336671878_743538120847214_432158014474205064_n.jpg

Ngày 10/4/1948, Chi bộ Đảng đầu tiên xã Liên Hồng được thành lập với 30 đảng viên, đồng chí Tăng Văn Tống được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đến nay, Đảng bộ xã đã phát triển lên 315 Đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ.
336809452_982558963152243_6769241072551672154_n.jpg
336542543_765882585216272_852111584864558495_n.jpg
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Liên Hồng luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược, địa phương luôn hoàn thành nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã Liên Hồng đã lãnh đạo xã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, phát triển đô thị… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên Hồng đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, huy động được nhiều nguồn lực để tạo nên những bước đổi mới quan trọng, toàn diện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, ngày càng vững mạnh. Kinh tế của xã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia. 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.​
336537426_1302509303955088_6853193149692922295_n.jpg

​Tự hào về truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, với niềm kiêu hãnh và tinh thần tự tôn, BCH Đảng bộ kêu gọi toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân xã nhà hãy đoàn kết một lòng quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Liên Hồng ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với ý nghĩa "Dòng máu đỏ của con Lạc cháu Hồng".